KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Kinh tế
Đăng ngày: 19/05/2025 - Lượt xem: 20
HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN QUÁN TRIỆT NGHỊ QUYẾT 68 VÀ NGHỊ QUYẾT 66 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ

Sáng 18/5, tại Hội trường Diên Hồng – Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, bằng hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến đến các điểm cầu trong cả nước.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng có các đồng chí: Tổng Bí thư Tô Lâm; Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương,…

Dự tại điểm cầu hội trường Thành uỷ Hưng Yên có đồng chí Phạm Huy Bình – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Hưng Yên, đồng chí Lương Công Chanh – Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố, đồng chí Nguyễn Khả Phúc – Phó Bí Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành uỷ, thường trực HĐND, lãnh đạo UBND thành phố,…

Điểm cầu Thành uỷ Hưng Yên

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã quán triệt chuyên đề: “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW”. Thủ tướng Chính phủ nêu rõ vai trò của kinh tế tư nhân như một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Nghị quyết 68 đề ra 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát triển kinh tế tư nhân. Với mục tiêu đặt ra đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp, đóng góp 55 - 58% GDP và tạo việc làm cho hơn 80% lực lượng lao động. Đến năm 2045, phấn đấu đạt 3 triệu doanh nghiệp và đóng góp trên 60% GDP. Trong đó nhấn mạnh 5 nhóm nội dung chủ yếu gồm: Khái quát thực trạng khu vực kinh tế tư nhân; Các nội dung cốt lõi của Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị; Các nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 16/5/2025 của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ; Các nội dung trọng tâm của Nghị quyết số 198/2025/QH15 ngày 17/5/2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn quán triệt chuyên đề: “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW”. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi với cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan sau sắp xếp tổ chức bộ máy, tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, mở đường cho kiến tạo phát triển, huy động mọi người dân và doanh nghiệp tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội để đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: Những đổi mới, cải cách đang được Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ triển khai không chỉ là yêu cầu khách quan của phát triển mà còn là mệnh lệnh từ tương lai dân tộc. Đồng thời nhấn mạnh về bốn nghị quyết gồm: Nghị quyết số 57 về thúc đẩy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết số 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; Nghị quyết số 68 về phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân; Nghị quyết số 66 về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật và khẳng định đây là 4 Nghị quyết giúp đất nước “cất cánh”. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới (2025-2030) để triển khai thực hiện bốn nghị quyết và 8 nhiệm cấp bách trong năm 2025, và nhấn mạnh: Hơn bao giờ bao giờ hết, hiện nay Ban Chấp hành Trung ương là một khối đoàn kết, thống nhất, quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, chuẩn bị thật tốt để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, phồn vinh và hạnh phúc.

 

Minh Trang – Xuân Điệu

(Trung tâm Văn hóa và Truyền thanh)

 

Tin liên quan