Chào mừng Kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc khánh 2/9 (2/9/1945 - 2/9/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 12/07/2018 - Lượt xem: 225
Nửa đầu năm, kiểm toán kiến nghị xử lý tài chính hơn 22 nghìn tỷ đồng

(Chinhphu.vn) – Kiểm toán Nhà nước Việt Nam (KTNN) kiến nghị xử lý tài chính 22.669 tỷ đồng (tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2017). Đáng chú ý, việc công khai, cung cấp thông tin kết quả kiểm toán đã được KTNN thực hiện theo đúng quy định của Luật KTNN, Luật Báo chí và các văn bản liên quan.

Đây là thông tin tại Hội nghị Đánh giá công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam (KTNN).

Ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cho biết, KTNN đã thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2018 với nhiều kết quả, kiến nghị nổi bật, góp phần quan trọng giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công.

Với các giải pháp tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán quyết liệt và đồng bộ, cùng sự nỗ lực, quyết tâm cao của cán bộ kiểm toán viên, đến 30/6 toàn ngành đã triển khai 135/229 cuộc kiểm toán theo kế hoạch (đạt 58,9%). Kết thúc kiểm toán 91 cuộc.

Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán đối với 48 dự thảo báo cáo kiểm toán và 14 báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 22.669 tỷ đồng (tăng 8,6 % so với cùng kỳ năm 2017).

Trong đó, tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 12.614 tỷ đồng, giảm chi NSNN 8.600,4 tỷ đồng; kiến nghị khác 1.454,6 tỷ đồng.

Một số đoàn kiểm toán có kết quả nổi bật như: Chuyên đề công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) năm 2017; chuyên đề Quản lý và sử dụng vốn ODA giai đoạn 2015-2017; một số cơ chế, chính sách bất cập trong quản lý của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...

Đồng thời, qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi, thu hồi nhiều văn bản; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với hàng chục tập thể và cá nhân.

Bên cạnh đó, năm 2018, KTNN đã chủ động tham gia và gửi ý kiến về dự toán NSNN năm 2018 và phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 với chất lượng tốt. Đặc biệt, ngày 23/01/2018 lãnh đạo KTNN đã tham dự cuộc họp do Thủ tướng Chính phủ chủ trì và báo cáo một số kết quả kiểm toán trọng yếu năm 2017 của KTNN và được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao kết quả đã đạt được, qua đó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của KTNN, đặc biệt là việc hoàn thiện những bất cập, hạn chế, sơ hở trong các quy định của pháp luật.

Tăng cường minh bạch thông tin kiểm toán

Việc công khai, cung cấp thông tin kết quả kiểm toán đã được KTNN thực hiện theo đúng quy định của Luật KTNN, Luật Báo chí và các văn bản liên quan. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Tổng KTNN đã trình bày Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán NSNN năm 2016 trước Quốc hội với nhiều phát hiện kiểm toán nổi bật, được Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, đánh giá cao.

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, KTNN đã cung cấp 8 bộ hồ sơ kiểm toán cho Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tòa án, Cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng; tổng hợp các vụ việc chuyển điều tra, kiến nghị điều tra từ kết quả kiểm toán năm 2017 gửi Bộ Công an để chỉ đạo điều tra; cung cấp các kiến nghị khởi tố của KTNN trong giai đoạn 2015-2017 theo đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; KTNN đã cung cấp cho Ban Nội chính Trung ương thông tin về 17 vụ việc KTNN đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra từ kết quả kiểm toán trong giai đoạn 2012-2017.

Sau khi báo cáo kiểm toán được gửi tới các cơ quan và cá nhân có thẩm quyền theo quy định, Tổng KTNN tiếp tục duy trì việc gửi thông báo các kết quả và kiến nghị kiểm toán chủ yếu đến người đứng đầu đơn vị được kiểm toán và các cơ quan liên quan để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện kiến nghị và tăng cường phối hợp công tác. Qua đó, sự phối hợp giữa KTNN với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương trong hoạt động kiểm toán ngày càng chặt chẽ và hiệu quả.

Bên cạnh việc triển khai hoạt động kiểm toán, Tổng KTNN đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực thực hiện kiến nghị kiểm toán; tăng cường phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, đối chiếu tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2016 và kiến nghị kiểm toán của các năm trước để làm cơ sở trích nguồn kinh phí 5% cho KTNN.

Đến 30/6 KTNN đã ban hành 21/21 kế hoạch kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2017; tổng hợp 25 báo cáo kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2017 của các đơn vị trong ngành cho thấy: Về cơ bản các đơn vị được kiểm toán đều chấp hành nghiêm kiến nghị của KTNN, trong đó một số đơn vị thực hiện tốt kiến nghị, như: KTNN chuyên ngành VI đạt 86,2%; KTNN khu vực I đạt trên 80%...

Tin liên quan