CHÀO MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025 VÀ NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 95 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỔNG SẢN VIỆT NAM ( 03/02/1930 - 03/02/2025).
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 14/02/2025 - Lượt xem: 101
PHỤC DỰNG NGHI LỄ RƯỚC NƯỚC TẠI LỄ HỘI VĂN HOÁ DÂN GIAN PHỐ HIẾN NĂM 2025

Lễ rước nước là một trong những nghi lễ tâm linh đặc sắc, thể hiện lòng thành kính, biết ơn các vị thần thánh của cư dân sống với nền văn minh lúa nước ven sông Hồng với mong muốn cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Tục lệ cổ xưa này là một nghi lễ linh thiêng, thể hiện hồn cốt, nét văn hóa đặc trưng riêng của vùng đất Phố Hiến, tuy nhiên, nhiều năm nay đã bị mai một. Trong khuôn khổ Lễ hội Văn hoá dân gian Phố Hiến năm 2025 sẽ phục dựng lại nghi lễ rước nước.

Theo kế hoạch của Ban tổ chức, Lễ rước nước sẽ được diễn ra từ 6h15 đến 12h ngày 17/2/2025 – tức ngày 20 tháng Giêng năm Ất Tỵ. Đoàn rước gần 600 người được chia thành các đội cùng kiệu sẽ tập kết tại khuôn viên khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến di chuyển theo lộ trình qua đường Bãi Sậy, đường Bạch Đằng ra bến phà Yên Lệnh (cũ). Tại đây, đội phà ngược dòng lên ngã ba sông Hồng thỉnh nước thiêng rồi trở lại bến. Sau khi thỉnh nước sẽ rước về 03 di tích gồm Đền Trần, đền Mẫu và đền Mây. Ban Quản lí khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến bố trí 3 phà để đặt phật đình, nhang án, kiệu nước cùng với kiệu của 3 di tích tham gia rước nước. Các lực lượng tham gia rước nước được phân bổ đều tại các phà.

Để lấy được nước thiêng, đoàn rước phải ra nơi hợp lưu của dòng sông, thường tạo ra một bên nước trong và một bên nước đục. Theo các bậc cao niên, ngoài việc phải chọn đúng vị trí, người được giao thực hiện nghi lễ lấy nước phải có kinh nghiệm và cơ duyên mới chọn được đúng chỗ nước tốt nhất, có đủ âm, đủ dương. Người lấy phải đưa tay xuống dòng nước và cảm nhận được độ ấm của nước, điều này hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm và thường được giao cho những bậc cao niên thực hiện. Địa điểm được chọn làm lễ và thực hiện nghi lễ thỉnh kinh rước nước là ngã ba sông Hồng, địa phận khu phố Đằng Châu, phường Lam Sơn. Có nhiều cách để lấy nước, tại Lễ hội VHDG Phố Hiến thống  nhất phương án thả một vòng tròn quấn vải đỏ hoặc nhiều màu xung quanh xuống mặt nước, để xác định vị trí lấy nước và ngăn những tạp vật có thể trôi vào. Sau khi kết thúc nghi lễ thỉnh nước thiêng một cách trang nghiêm, đoàn người rước chóe đựng nước thiêng về đặt tại các di tích để làm lễ tế.

Đồng chí Nguyễn Thị Hòa – Trưởng Ban Quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến – Phó Trưởng Ban tổ chức Lễ hội cho biết: Đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập (năm 2017) đến nay, Ban thực hiện nghi lễ Rước nước trong Lễ hội VHDG Phố Hiến. Lễ rước nước năm nay có lực lượng tham gia rất lớn, lên đến gần 600 người. Để nghi lễ diễn ra thành công, Ban tổ chức đã huy động 20 đội hình tham gia rước gồm: Đội rồng lân, quốc kì, cờ hội các kích cỡ, phướn Phật, đội bát âm, đoàn đội lễ, phật đình, các nhà sư, đội trống rước, chấp kích, nhang án, đàn tính; 3 đội hộ tống kiệu cầm cờ, đội lễ, cầm bát bửu, binh khí, bê hòm hài,… Các lực lượng được huy động đa dạng về độ tuổi từ trẻ cho đến các bậc cao niên của các xã, phường. Đồ tế lễ cũng được chuẩn bị phong phú, đúng nghi lễ. Hiện các phần việc chuẩn bị đã hoàn tất, sẵn sàng cho Lễ rước nước diễn ra theo kế hoạch.

Rước Kiệu tại Lễ hội VHDG Phố Hiến (Ảnh tư liệu)

Theo truyền tụng ở địa phương, nghi lễ rước nước tại Lễ hội Văn hoá dân gian Phố Hiến vốn được xuất phát từ Lễ rước nước thực hiện tại Lễ hội đền Mẫu từ nhiều năm trước, nhằm thể hiện lòng thành kính, biết ơn các vị Thần, Phật, Thánh Mẫu và ước muốn cầu mưa thuận gió hòa của cư dân nông nghiệp. Nghi lễ này được phục dựng tại Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến vừa góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, vừa tạo không gian văn hóa đáp ứng đời sống tâm linh của Nhân dân địa phương và du khách thập phương. Bên cạnh mục đích lấy nước về thắp hương thờ cúng các vị thần linh tại các di tích, việc rước nước còn thể hiện ước nguyện về sự sinh sôi nảy nở của con người và vạn vật thiên nhiên. Việc thành phố Hưng Yên phục dựng nghi Lễ rước nước và tiến hành các trò chơi dân gian trong khuôn khổ Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến năm 2025 sẽ là dấu ấn sâu đậm đối với các tầng lớp Nhân dân địa phương và du khách thập phương./.

Minh Trang

(Trung tâm Văn hóa và Truyền thanh)

Tin liên quan